Lãnh đạo tô chữ: Lẽ nào bệnh hình thức nặng đến thế?

ngày 26/02/2015

 Sẽ là nặng lời khi cho rằng, lãnh đạo ngành giáo dục đang trực tiếp khẳng định bệnh hình thức vốn là “căn bệnh trầm kha” của ngành khi hạ bút “tập tô” trong lễ khai bút mới đây.
 
Sáng 23/2, Hà Nội tổ chức lễ khai bút đầu xuân tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội).
 
Buổi lễ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng nhiều lãnh đạo ngành giáo dục thủ đô và rất đông người dân chứng kiến.
 
“Đức-Trí-Học-Thành-Nhân” là những chữ được chọn khai bút đầu xuân, do 5 lãnh đạo ‘trổ tài’ trước bàn dân thiên hạ.
 
Sẽ không có gì đáng bàn nếu hình ảnh khai bút tại buổi lễ này diễn ra thông thường theo cách các lãnh đạo "múa bút" tượng trưng vài nét trên nền giấy trắng.
 
Nhưng hình ảnh một số nhà quản lý khai bút theo kiểu “tập tô” theo nét chữ đã được vạch sẵn tại buổi lễ này khiến nhiều người thảng thốt bởi "sự biểu diễn hình thức" như thế không hề phù hợp trong một lễ khai bút đầu xuân.

Hình ảnh các lãnh đạo `tập tô` 5 chữ "Đức-Trí-Học-Thành-Nhân" trong lễ khai bút sáng 23/2 - Ảnh: Internet

Dẫu có giải thích rằng việc tham gia lễ khai bút của các lãnh đạo chỉ nhằm mục đích tốt đẹp là khích lệ, động viên tinh thần hiếu học của cộng đồng, nhưng kết quả, tác động tích cực đâu không thấy, chỉ nhìn ra sự cổ vũ cho tinh thần học tập kiểu sao chép, hình thức, khuôn mẫu, dối trá và sự phản cảm thấy rõ từ những phản ứng tiêu cực của dư luận vài ngày qua.
 
Nhìn vào bức ảnh các lãnh đạo ngượng nghịu tập tô chữ trên nền có sẵn, cách cầm bút không chuẩn, nét mặt căng thẳng vì sợ “chệch đường tô” khiến chữ viết mất đi tính khuôn mẫu, nhiều người không khỏi giật mình bởi căn bệnh hình thức hóa ra đã ăn sâu đến mức trở thành phổ biến ngay từ chính lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục.
 
Ai chả hiểu, tục khai bút đầu xuân xưa nay thường hướng tới việc tôn trọng sự học, tri thức và chỉ cần để người ta thấy trong không gian đó có dấu ấn của sự học, liên quan đến bút nghiên. Khai bút vốn chỉ mang tính biểu trưng, có khi chỉ cần biểu diễn một đường nét trên giấy cũng đã là một dấu ấn đầu năm liên quan đến chuyện học hành.
 
Khai bút phải ngẫu hứng, chữ phải được viết ra trong lúc ngẫu hứng, nét chữ là nết người. Vậy khi “nết người” được định hình trên một nền chữ có sẵn, còn gì là “khai bút”, còn gì là tư duy, tâm ý, trí tuệ của người viết?
 
Với việc tô trên mẫu chữ có sẵn của lãnh đạo ngành giáo dục, nhiều người đặt câu hỏi: lẽ nào cái "nết" quen làm kiểu sao chép, khuôn mẫu đã trở thành “chuyện đương nhiên" trong một ngành vốn cần nhất sự sáng tạo như giáo dục?
 
Một chuyên gia ngôn ngữ học từng thốt lên đầy chua chát: “Tôi cũng chưa từng thấy ai khai bút mà lại theo một hình thức có sẵn nào đó cả. Phải làm cái gì đó nó thực và phải xuất phát từ những điều ý nghĩa của cuộc sống thì mới thực sự lan tỏa và cổ vũ được người khác, không sẽ gây phản cảm”.
 
Và sự phản cảm đã bộc lộ rõ khi nhiều người truyền tai nhau cái “sự lạ” trong lễ khai bút đầu năm này. Có biết bao tiếng cười chua chát trước sự “hài hước" đến mức lố bịch khi nhìn bức ảnh lãnh đạo “tập tô” được truyền đi nhanh chóng trên khắp các diễn đàn, các trang mạng xã hội. Tất nhiên, những người am tường về ngành giáo dục thì thản nhiên coi đó là chuyện chẳng phải bàn ra tán vào.
 
Quả thực, không có gì là lạ, khi nhiều năm qua ngành giáo dục đã phải liên tục đối diện với “những cuộc khủng hoảng” mà căn nguyên bắt nguồn từ chính căn bệnh hình thức, bệnh thành tích, bệnh dối trá trong dạy và học.
 
Chuyện tập làm văn có “văn mẫu”, nhận xét học sinh có “nhận xét mẫu”… vốn đã từng bị phê phán, lên án rất nhiều. Ai cũng bảo cái sự khuôn mẫu, giáo điều trong học tập là cách nhanh nhất giết chết sự sáng tạo của học sinh, phá hủy tư duy độc lập của các cháu, cần phải nhanh chóng loại bỏ trong giáo dục.
 
Thế nhưng bây giờ, ngay đến lãnh đạo cấp cao của ngành giáo dục cũng quyết định khai bút theo “mẫu”, thì ít nhiều người ta đã hiểu, vì đâu giáo dục Việt Nam lại rơi vào tình trạng khủng hoảng đến thế.
 
Những “căn bệnh trầm kha” trong ngành giáo dục đã từng được mổ xẻ nhiều, và ai cũng hô hào phải “cải cách giáo dục”, hô hào chống “tiêu cực”, chống bệnh thành tích, cần “đổi mới căn bản và toàn diện” ngành giáo dục.
 
Nhưng hô hào là một chuyện, hành động thực tế lại là chuyện khác. Khi bệnh hình thức ăn sâu ngay trong chính những người có trách nhiệm của ngành giáo dục thì hẳn nhiên, để thay đổi căn bản, cần thiết phải thay đổi ngay từ tuy duy lãnh đạo trong ngành và điều này không dễ làm như nói.
 
Rõ ràng, đây vẫn là cuộc chiến không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Khi lỗi mang tính hệ thống, cần sự mạnh dạn đổi mới có tính chất hệ thống, không thể chỉ “hô hào suông”, nói cửa miệng rồi... nằm im trên giấy.

Nguồn VTC News