Làn sóng chuyển việc từ công sang tư: Chọn việc vì ai?

ngày 24/09/2022

Làn sóng chuyển việc từ khu vực công ra khu vực tư đang khiến các nhà quản lý đau đầu. Song, nó cũng mở ra nhiều cơ hội cho các bên.

Nếu bạn là nhà quản lý, đang loay hoay tinh giản biên chế, thiếu việc thừa người, thì giờ là cơ hội để sắp xếp lại. Ứng dụng công nghệ vào quản lý, tối ưu hóa quy trình, đặt đúng việc đúng người, bạn sẽ thấy việc vẫn chạy tốt mà bộ máy không nhất thiết phải cồng kềnh.

Trong đội ngũ dịch chuyển lao động còn có cả người làm quản lý, lãnh đạo, điều đó có thể gây xáo trộn nhất thời, nhưng không phải là không có phương án thay thế. Đây là cũng là cơ hội để bạn nhìn rõ người nào thực sự gắn bó tâm huyết, hoặc môi trường làm việc cần thay đổi thế nào để giữ chân được họ.

(Ảnh minh họa)

Với người lao động, đây mới thực sự là cơ hội mở ra. Sau đại dịch, các quan niệm về giá trị sống đã rất khác. Những cái gọi là “sự ổn định” hay cái mác “cơ quan danh giá” đôi khi không còn nhiều ý nghĩa. Họ có xu hướng lựa chọn công việc trước tiên phải đảm bảo sống được, sống khỏe, và có dự phòng cho các biến cố lớn, hơn là cố bám lấy ảo ảnh hào quang.

Họ không sẵn sàng chịu thêm áp lực từ những thứ ngoài công việc ở cơ quan.

Họ không sẵn sàng để sức khỏe bị bào mòn thêm vì những kỳ cuộc tiếp đãi rượu chè.

Họ cũng không đành lòng để những năng lực tiềm tàng của bản thân bị uổng phí cùng với các việc giản đơn theo sự phân công dựa trên quan hệ.

Sự dịch chuyển theo hướng thực tế hơn và tôn trọng giá trị thực chất, đó là một tín hiệu tốt.

Ngoài ra, làn sóng chuyển việc còn là cơ hội cho sự sòng phẳng.

Nếu bạn lâu nay làm việc ở khu vực công để lấy một cái danh và sống bằng nguồn thu từ các việc “chân ngoài”, khó tránh khỏi có những lúc “ăn cắp” thời gian công sở, hoặc tận dụng tín nhiệm từ vị trí công tác để hưởng lợi bên ngoài.

Khi ai đó từ bỏ khu vực công để toàn tâm toàn ý cho việc “chân ngoài”, cũng là lúc bạn nên tự hỏi: lâu nay mình đã sòng phẳng với việc “chân trong” hay chưa?

Hoặc nếu bạn thấy không đủ gắn bó với công việc hiện tại, hứng thú đã cạn, động lực không còn, thì cũng nên nhìn lại xem, mình từng đến với công việc này vì cái gì? Có phải vì yêu thích và mong muốn đóng góp cho nó không, hay chỉ vì chiều theo ý người thân, hoặc bởi những món hời mà bạn đã từng mơ tưởng? Chọn như vậy, liệu có sòng phẳng với bản thân?

Công việc không chỉ là nghề, mà còn là nghiệp. Không ai muốn phải chuyển khỏi một nơi mà mình đã gắn bó. Nhưng nếu có một lý do đủ lớn, hãy cứ thử sức mình. Công sang tư hay ngược lại, đều tốt, đều có cơ hội, miễn là bạn đã cân nhắc kỹ, và nhận ra điều gì đó đáng giá sau mỗi lần thay đổi./.

Nguồn: vov.vn