Shintomi là một thị trấn nhỏ với khoảng 17.000 dân ở Nhật Bản thuộc tỉnh Miyazaki. Đây là nơi người nông dân bắt đầu thử thách để hiện thực hóa việc trồng vải thiều trong nước. Bắt đầu từ năm 2005 là một chuỗi những thử nghiệm và khó khăn thất bại chồng chất.
Hơn 10 năm sau kể từ ngày bắt đầu, những mong ước của người dân thành hiện thực, khi trái vải thiều kích thước lớn, mọng nước, hàm lượng đường cao, đã ra đời.
Những trái vải thiều ở Shintomi có màu đỏ bắt mắt, mùi thơm đặc trưng và cùi dày mọng. Lượng đường của mỗi trái đạt trung bình 15 độ, có trái lên tới 18 độ, đặc biệt thơm ngon.
Vốn là loại trái cây thích hợp thổ nhưỡng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nên vải thiều rất khó trồng ở Nhật Bản. Một trong những trang trại vải ở Shintomi, ông Mori cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp cải tiến kiểm soát nhiệt độ, áp dụng công nghệ cao. “Phải mất hơn 10 năm chúng tôi mới tự tin mang trái vải giới thiệu với khách hàng”, ông Mori chia sẻ.
Do mùa hè ngắn, còn mùa đông lạnh có tuyết và thời gian kéo dài, nên sản lượng vải của Nhật rất thấp, chỉ đủ một phần nhỏ cung cấp cho thị trường. Đó cũng là lý do mỗi quả vải ở Shintomi bán với giá 1000 Yên/trái (hơn 200 nghìn đồng).
Giá trị trái vải tại đây được đánh giá cao, trở thành nguyên liệu cho những cửa hàng đồ ngọt cao cấp, café cấp cao tại Tokyo. Ngoài ra, trái vải còn trở thành nguyên liệu làm kem dành cho bà bầu, nước đá vải, trà vải thiều, bia vải thiều… mang lại sự hấp dẫn cho thực khách…