Giáo viên stress, trẻ dễ “ăn đòn”

ngày 14/04/2016

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến mất an toàn, bạo lực đối với trẻ mầm non đến từ chính sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên

Trường hợp bé trai 15 tháng tuổi tử vong tại cơ sở mầm non tư thục Sao Tuổi Thơ (phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) do sợi dây chuyền đeo cổ móc vào tay nắm tủ đựng đồ cá nhân gây ngạt thở cách đây chưa lâu là một ví dụ đau lòng cho những nguy cơ tiềm ẩn về sự mất an toàn ở các cơ sở mầm non, đặc biệt là cơ sở không phép.

“Nhắm mắt” gửi con

Thống kê của Vụ Giáo dục mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết cả nước có trên 4,8 triệu trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi được huy động đến trường, lớp mầm non. Nhu cầu gửi trẻ ở các thành phố lớn, khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tăng rất nhanh, trong khi hệ thống trường mầm non công lập không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 50%-60% số trẻ trong độ tuổi, số còn lại phải gửi tại các nhóm lớp tư thục.

Giáo viên stress, trẻ dễ “ăn đòn” - 1

Trường Mầm non Sao Tuổi Thơ, nơi một bé trai vừa tử vong

Báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM cũng cho thấy trong tổng số 1.006 trường mầm non tại TP, chỉ có 431 trường công lập. Vẫn còn 121/1.551 nhóm, lớp mầm non hoạt động không phép nhưng đây mới chỉ là số cơ sở đã rà soát được, chưa tính những nhóm, lớp gia đình mang tính tự phát trong khu dân cư chưa được thông báo, kiểm tra.

Bà Trần Thị Kim Oanh - Phòng GD-ĐT thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương - cho hay thị xã có hơn 100 nhóm trẻ gia đình, trong đó nhiều nhóm chưa xin phép nhưng vẫn hoạt động. Hầu hết các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ đều có vấn đề như chưa có cửa ngăn cách phòng chơi với nhà bếp, nhà vệ sinh không đúng chuẩn, thiết bị điện ở tầm thấp, chất tẩy rửa còn để ở tầm tay trẻ, nuôi chó, mèo trong khuôn viên giữ trẻ, đồ dùng đồ chơi thiếu.

Đồng Nai hiện có 61 trường mầm non tư thục trong tổng số 282 trường của tỉnh. Tổng số nhóm lớp tư thục là 886, trong đó còn 148 nhóm, lớp chưa được cấp phép. Tại Hà Nội, số lượng trẻ học ngoài công lập cũng không hề nhỏ, lên tới hơn 100.000 cháu...

Theo khảo sát thực trạng hoạt động và quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục tại 3 khu vực (khu công nghiệp, khu dân cư và dân tộc thiểu số) tại 8 tỉnh, thành của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đa số các nhóm, lớp độc lập tư thục (nhất là với nhóm, lớp chưa được cấp phép) thiếu hầu hết các tiêu chuẩn trường, nhóm, lớp và các điều kiện bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. Cụ thể: để chất tẩy rửa ngang tầm tay trẻ, ổ cắm điện ở tầm thấp; xô chậu chứa nước, bàn ghế bố trí chưa hợp lý; chắn song cầu thang thưa, lan can quá thấp...

Bạo lực vì quá... áp lực

Không chỉ do thiếu thốn về cơ sở vật chất, các chuyên gia giáo dục khi được hỏi đều cho rằng nguyên nhân quan trọng dẫn đến mất an toàn, bạo lực đối với trẻ mầm non còn đến từ chính sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên.

TS Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP HCM, đưa ra con số khảo sát tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cho thấy có đến gần 60% giáo viên mầm non bị stress nghề nghiệp. Lý do stress là thường xuyên bị áp lực về thời gian làm việc, sĩ số lớp quá đông, khối lượng công việc phải đảm nhiệm trong ngày nhiều, dễ gặp những rủi ro thường trực do đặc thù công việc liên quan tới trẻ em trong khi chế độ lương, thu nhập thấp.

Theo bà Kim Anh, thực tế ở nhiều cơ sở mầm non cũng cho thấy các hành vi bạo lực đối với trẻ em xuất phát từ stress của giáo viên. Chính vì thế, việc quan tâm đúng mức, sắp xếp lao động hợp lý đối với giáo viên, nhân viên là vấn đề thực sự quan trọng.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cũng cho rằng đa số trẻ bị bạo hành bởi chính giáo viên. Nguyên nhân được xác định là do giáo viên mầm non bị quá nhiều áp lực về thời gian, cường độ chăm sóc trẻ dẫn đến lúng túng và làm bừa. Đặc biệt, ở các nhóm lớp tư thục, giáo viên thay đổi liên tục, không qua đào tạo đúng chuyên môn, không được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, trong khi chủ nhóm chạy theo lợi nhuận, trả lương giáo viên thấp khiến họ không có động lực làm việc.

Trẻ mầm non còn chịu nhiều thiệt thòi

Siết chặt quản lý trong việc cấp phép để bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được cho là giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không nhìn thẳng vào những bất cập, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cũng như nâng cao đời sống giáo viên thì trẻ mầm non sẽ còn chịu nhiều thiệt thòi.

Nguồn 24h