Dân 'hờ hững' với bảo hiểm y tế dù có lợi

ngày 02/07/2012

Gần 60% số hộ nghèo ở Việt Nam mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh. Trong khi bảo hiểm y tế được coi là một trong những “cứu cánh” khi ốm đau thì nhiều người lại bỏ qua.

Nhà chỉ làm nông, thi thoảng đi phụ xây thêm, tháng nào cả gia đình ông Hùng (Yên Mô, Ninh Bình) chắt chiu dành dụm thì cũng được 4-5 triệu đồng. Đến khi cậu con trai vào Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu vì tai nạn giao thông thì gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

"Chỉ một ngày nằm ở khoa Hồi sức tích cực mà đã mất gần 10 triệu đồng: tiền thuốc kháng sinh, thở máy, nuôi dưỡng... Từ khi con nằm viện, chỗ nào vay được tôi đều đã đến gõ cửa, giờ chỉ còn cái nhà ở quê là tài sản quý giá nhất, nhưng bán nó, cầm cố nó thì cả gia đình 5 người không biết sống ở đâu. Chúng tôi không có thẻ bảo hiểm y tế. Giá mà có nó thì sẽ đỡ được rất nhiều", ông Hùng chua xót nói.

baohiem

Nhiều người dân còn chưa "mặn mà" với bảo hiểm y tế. Ảnh: P.N.

Trường hợp gia đình ông Hùng không phải là hiếm gặp, họ không có thẻ bảo hiểm y tế nên phải trả toàn bộ chi phí khi ốm đau, và điều đó đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói. Trong một điều tra tại Hà Nội năm 2008, 33% các hộ gia đình được phỏng vấn cho rằng, bệnh tật là lý do khiến mức sống của họ giảm đi hoặc không được cải thiện.

Gánh nặng kinh phí có lẽ sẽ giảm bớt phần nào nếu người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Thế nhưng, hiện nay cả nước vẫn còn gần 40% dân số chưa có bảo hiểm.

Đặc biệt, tỷ lệ người cận nghèo mua bảo hiểm y tế mới chỉ đạt 25%. Trong khi đó, nhóm này đã được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng, thậm chí nhiều tỉnh thành hỗ trợ thêm 10-20% kinh phí mua thẻ.

“Đây là một con số khiêm tốn, đồng thời cũng thể hiện sự kém hiệu quả của các dự án hỗ trợ”, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết.

Phần lớn người cận nghèo có thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, ít có khả năng tham gia bảo hiểm y tế. Cũng vì thế mới có tình trạng như tỉnh Bến Tre hỗ trợ mức đóng thẻ lên tới 80% và in sẵn thẻ, người dân chỉ cần đến đóng thêm 20% và lấy thẻ nhưng họ cũng không đến.

Thực tế, nhận thức của họ về chính sách bảo hiểm y tế còn chưa đầy đủ. Theo khảo sát của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có nơi người dân chưa biết mình thuộc nhóm được ưu tiên, thậm chí có người còn không hay biết chút thông tin gì về chính sách bảo hiểm y tế.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này còn do sự phối hợp liên ngành ở các tỉnh, thành chưa chặt chẽ. Đặc biệt, việc xác định cá nhân để lập danh sách cấp thẻ chưa kịp thời, nhiều địa phương không lập được danh sách hộ cận nghèo mà chỉ tập trung bình xét và lập danh sách hộ nghèo. Thông tin về việc hỗ trợ cho hộ cận nghèo vẫn chưa đến được với nhiều người dân, nên đa số không biết mình được hỗ trợ những gì, địa điểm nơi mua thẻ ở đâu...

Bên cạnh đó, việc mở rộng nhóm học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế cũng gặp khó khăn. Hiện nay, mức đóng theo quy định là khoảng 300.000 đồng một năm, cao hơn so với trước đây khoảng 200.000 đồng. Trong khi đó, đây là nhóm ít có khả năng ốm đau nên cha mẹ cân nhắc về chi phí và chỉ lo lắng mua thẻ khi con ốm đau. Cũng vì thế, hiện nay 25% nhóm này chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, ngoài 2 nhóm trên, việc mở rộng diện tham gia bảo hiểm y tế thời gian tới cũng gặp không ít khó khăn ở nhóm hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp, thân nhân người lao động và nhóm người lao động tự do. Bởi đa số những người này có thu nhập không ổn định và không thuộc một tổ chức xã hội nào.

“Đa số những người này chỉ tham gia bảo hiểm y tế khi ốm đau, nên tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chưa đáng là bao. Trong khi đó, ước tính có khoảng 20 triệu người thuộc những nhóm này”, ông Sơn nói.

Sau 3 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế, để thực hiện được mục tiêu toàn dân tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2014 là rất khó khăn, thậm chí là không thể. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang hướng tới việc đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình thay vì cá nhân như hiện nay. Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới và khu vực đã cho thấy, việc tham gia theo hộ gia đình là một cách thức tối ưu để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

Sắp tới, khi khung giá viện phí mới được áp dụng với mức thu tăng cao, những người không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm sẽ được chi trả các chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con, khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh. Ngoài ra, còn được hưởng một số danh mục thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định.
Người bệnh khi đi khám chữa bệnh theo đúng quy định, quy trình thì theo được thanh toán với các mức như: 100%, 95% và 80% tùy theo từng nhóm.

Phương Trang