Đại dịch càng khó giảm lãi suất

ngày 29/09/2021

Dịch bệnh dẫn đến việc ngành NH phải giảm lãi suất huy động để thích nghi với tình hình mới cũng như để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, dòng vốn huy động có xu hướng tăng chậm lại do các thành phần kinh tế đều bị tác động mạnh, điều này có thể dẫn đến việc buộc phải tăng lãi suất đầu vào trong những tháng cuối năm và lãi suất cho vay càng không thể hạ.

Ảnh minh họa.

Tiền vào NH chậm lại

Số liệu thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 7 tăng trưởng huy động vốn của hệ thống NH chỉ đạt 3,99% so với cuối năm 2020, và đến 25-8 đạt 4,44%.

Trong khi đó, đến 25-8 tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng 7,06% so với cuối năm ngoái, trong đó tín dụng VNĐ tăng 6,7% và tín dụng ngoại tệ tăng 13,33%.

Còn theo báo cáo của NHNN chi nhánh TPHCM, tổng huy động vốn của các tổ TCTD trên địa bàn đến cuối tháng 7 tăng 0,66% so tháng 6; tháng 8 chỉ tăng 0,42% so với tháng 7 và tháng 9 ước đạt 3,045 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so với cuối quý II và tăng 4,71% so với cuối năm trước.

Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư chiếm 36,8% tổng huy động trên địa bàn, chỉ tăng 0,5% so với cuối năm trước. Về phía cho vay, 9 tháng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn tăng 6,41% so với cuối năm trước. Con số này cho thấy, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các TCTD năm nay rất chậm so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Cũng theo thống kê của NHNN, nửa đầu năm nay tiền gửi của dân cư tại các TCTD chỉ tăng thêm khoảng 151.200 tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) tăng gần 233.200 tỷ đồng.

Như vậy, nửa đầu năm nay, lượng tiền gửi dân cư vào NH có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư vào các NH đạt khoảng 330.000 tỷ đồng/nửa đầu năm. Tăng trưởng tiền gửi cũng có xu hướng chậm lại trong 5 năm 2016-2020.

Năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư 17,4%, năm 2017 chỉ đạt 13,54% và liên tục giảm các năm sau đó, đến năm 2020 con số này còn 6,46%.

Ngược lại, tiền gửi của doanh nghiệp (DN) vào NH tăng mạnh trong hơn 1 năm trở lại đây, dẫn đến sự đảo chiều giữa 2 phân khúc. Nếu trước đây, tăng trưởng tiền gửi của dân cư luôn cao hơn tăng trưởng tiền gửi của các TCKT, năm nay tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các TCKT đã bứt phá, cao hơn phía dân cư.

Tính đến cuối tháng 7, tiền gửi của nhóm DN tăng 4,25% so với đầu năm, đạt hơn 5 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,29 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,97%.

Tuy nhiên, dòng tiền từ các TCKT cũng kém ổn định. Thống kê vào thời điểm tháng 7, tổng tiền gửi của hệ thống các TCTD đã giảm 0,2% so với tháng trước chỉ ở mức hơn 5,08 triệu tỷ đồng, trong khi thời điểm cuối tháng 6 đạt 5,11 triệu tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa trong tháng 7 nhiều DN đã rút tiền khỏi hệ thống NH.

Hiện chênh lệch tiền gửi - tín dụng khoảng 570.000 tỷ đồng, rút ngắn so với 830.000 tỷ đồng cuối năm 2020. Mức này được đánh giá chưa thực sự tạo áp lực lên thanh khoản của NH ở thời điểm hiện tại.

Dù vậy, nếu tăng trưởng tiền gửi tiếp tục chậm lại, trong khi nhu cầu vay có thể tăng trong những tháng cuối năm, sẽ là bài toán không nhỏ đối với các NH.

Sẽ căng thẳng hơn vào cuối năm?

Trao đổi với ĐTTC, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhận định dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến tất cả các thành phần kinh tế. Rất nhiều người lao động bị giảm lương hoặc không có lương. Lao động tự do càng giảm mạnh thu nhập.

Vì vậy, nhiều người dân phải rút tiền từ hệ thống NH để chi tiêu. Theo đó, lượng tiền gửi tăng chậm phía khách hàng cá nhân.

Trong khi đó, các DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do dịch bệnh có lượng tiền dư thừa chưa dùng tới đã gửi trở lại NH, nên tăng trưởng huy động ở khối DN cao hơn dân cư.

Tuy nhiên, các DN khu vực phía Nam thực hiện 3 tại chỗ khiến chi phí tăng mạnh. Điều này khiến DN phải rút tiền gửi từ NH ra để trang trải chi phí, dẫn đến sự sụt giảm tiền gửi ở khu vực này trong tháng 7.

Trên tổng thể, lãi suất thấp khiến người dân kém mặn mà gửi tiền vào NH. Những người có tiền sẵn, do nền kinh tế và hoạt động kinh doanh chậm lại, đang tìm những kênh sinh lời cao hơn so với tiền gửi NH có lãi suất càng ngày càng giảm, chẳng hạn chuyển sang kênh chứng khoán.

Tình hình này dự báo tiếp tục diễn ra khi nền kinh tế đóng cửa từng phần như hiện nay và chưa mở cửa lại.

Ngược lại, nếu kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 10, những tháng còn lại nền kinh tế mở cửa, sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại, doanh thu tăng lên, DN có thể gửi tiền vào NH và người dân khi thu nhập dần hồi phục cũng sẽ gửi tiền vào NH. Nhưng với tình hình hiện tại, khả năng khách hàng DN và cá nhân rút tiền ra để trang trải cao hơn.

Diễn biến tăng trưởng huy động và tín dụng hiện tại chưa tạo áp lực lên thanh khoản của NH. Tuy nhiên, huy động vốn không giảm nhưng tăng thấp hơn so với trước đây và tăng thấp hơn so với cho vay, là điều các NH sẽ quan tâm trong những tháng cuối năm.

Nguyên nhân vì NH đang cần cho vay thời gian này để có lợi nhuận, cũng như đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao, từ đó xin chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao cho năm tới.

Theo ghi nhận, gần đây một số NH nhỏ đã ngược chiều tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, biểu lãi suất mới áp dụng tháng 9 của PGBank tăng khoảng 0,2-0,4%/năm tại một số kỳ hạn.

Hay BaoVietBank tăng thêm 0,1% tại một số kỳ hạn. Động thái này nhằm hút vốn để bổ sung thanh khoản phục vụ cho vay những tháng cuối năm.

Nguồn: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/dai-dich-cang-kho-giam-lai-suat-96511.html