Chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc sang giáo dục mở

ngày 20/09/2013

Quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu liên thông sang hệ thống giáo dục mở; hình thành cơ chế học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập...

Chiều ngày 19/9, Thường trực Ban soạn thảo Đề án - Bộ GD-ĐT đã tổ chức gặp mặt báo chí để thông báo việc hoàn thành sửa đổi dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

So với bản dự thảo trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), dự thảo lần này đã chỉnh sửa, bổ sung và làm sáng tỏ nhiều nội dung, thẳng thắn, đúng mức hơn trong đánh giá thực trạng GD-ĐT Việt Nam; quan niệm và các quan điểm chỉ đạo đổi mới được trình bày rõ hơn và được cụ thể hóa trong mục tiêu, các nhiệm vụ và 9 giải pháp.

Chấn chỉnh những lệch lạc

Dự thảo đã nêu rõ 6 hạn chế, yếu kém của giáo dục- đào tạo hiện nay là chất lượng giáo dục còn thấp, còn nặng bệnh thành tích, chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, vận dụng kiến thức, hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông; quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập; nhiều chính sách và cơ chế tài chính lạc hậu… Nguyên nhân chính là do chưa nhận thức sâu sắc và chậm đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng và thói quen bao cấp trong giáo dục còn nặng nề. Bên cạnh đó, yếu kém trong công tác quản lý, chỉ đạo của ngành giáo dục…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, thường trực Ban soạn thảo đề án cho biết: "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục (nội dung, phương pháp, thi, kiểm tra, đánh giá), các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, ở cả Trung ương và địa phương, ở mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

“Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả, từ đầu mà cần vừa củng cố, phát huy các thành tựu và điển hình đổi mới, vừa kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, những việc làm trái quy luật, phát triển những nhân tố tích cực mới”- Thứ trưởng Hiển cho hay.

 

Sẽ tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học ở bậc tiểu học
Sẽ tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học ở bậc tiểu học.

Chuyển sang hệ thống giáo dục mở

Quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong hoàn cảnh hiện nay, theo ông Bùi Mạnh Nhị - thành viên Ban soạn thảo, đổi mới, để tiến hành thành công đổi mới, cần coi Giáo dục là một nhân tố giữ vai trò quyết định thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học (năng lực công dân). Chuyển phát triển giáo dục chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang phát triển theo mục tiêu vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, vừa đáp ứng yêu cầu số lượng theo nhu cầu nhân lực của xã hội. Phát triển giáo dục phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa… 

Đặc biệt, chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu liên thông sang hệ thống giáo dục mở; hình thành cơ chế học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập; thực hiện xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Ông Nhị cho rằng: “Hệ thống giáo dục mở là hệ thống giáo dục linh hoạt, liên thông giữa các yếu tố (nội dung, chương trình, phương pháp, phương thức, thời gian, không gian, chủ thể giáo dục…) của hệ thống và liên thông với môi trường bên ngoài hệ thống, bảo đảm tính sáng tạo cho việc xây dựng, tổ chức các nội dung, hình thức giáo dục. Tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người; tận dụng các nguồn lực cho giáo dục và bảo đảm tính hiệu quả, phát triển bền vững của hệ thống”.

Dạy học phân hóa

Đề xuất phương án tích hợp và phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam sau năm 2015, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Dạy học tích hợp là tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực nhằm giải quyết các nhiệm vụ trong học tập và trong cuộc sống. Xét về thiết kế chương trình giáo dục, việc tích hợp sẽ giúp cho việc giảm số môn học. Dạy học phân hóa là tổ chức dạy học tùy theo đối tượng, phù hợp tâm sinh lý, khả năng, nhu cầu và hứng thú của người học nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh”.

Thứ trưởng Hiển cho hay, sắp tới sẽ đẩy mạnh phân hóa, nhẹ bớt cho các em, học theo định hướng nghề nghiệp.

Theo phương án dạy học phân hóa của Bộ GD-ĐT, ở tiểu học và THCS, ngoài những môn học bắt buộc, học sinh sẽ được chọn thêm các chủ đề, hoạt động giáo dục khác phù hợp năng lực, sở thích, nhu cầu của mình. Sau THCS, học sinh sẽ phân luồng, học ở trường THPT hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ở THPT sẽ tổ chức dạy học phân hóa theo hướng tự chọn. Có thể, lớp 10, tổ chức bước đầu định hướng nghề cho học sinh; học sinh sẽ học 7 – 10 môn bắt buộc. Còn lại là các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn nhằm giúp học sinh có nhận thức thấu đáo hơn các lĩnh vực kiến thức khác nhau, làm cơ sở cho việc định hướng sau này.

Lớp 11 và 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao. Học sinh học ít môn, trong đó một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Dự kiến có 3 môn bắt buộc (Tiếng Việt, Toán và Ngoại ngữ). Đồng thời, học sinh được chọn 3 môn/chủ đề trong danh mục các môn/chủ đề tự chọn như Vật lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý, công nghệ, khoa học về máy tính, kinh doanh, ngoại ngữ 2, nghệ thuật, hướng nghiệp…

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, dạy học tích hợp không gây xáo trộn về số lượng và cơ cấu giáo viên, không đòi hỏi phải tăng cường quá nhiều về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Dạy học tích hợp là thay đổi căn bản ở THPT, bỏ hình thức phân ban, chuyển sang dạy học tự chọn. Lớp 11 và 12 học rất ít môn bắt buộc vì thế có thời gian tập trung cho các môn học tự chọn.

Các trường có thể chủ động lựa chọn các nghề ở địa phương, chủ động cùng các doanh nghiệp, nhà máy, công ty địa phương liên kết về dạy các nghề này, phục vụ công tác dạy nghề, hướng nghiệp của trường. Học sinh sẽ được học các môn hoặc các chủ đề tự chọn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng tăng dần của các nhà trường hoặc được giới thiệu đến học ở các trường, các doanh nghiệp, nhà máy…

Hồng Hạnh

{fcomment}