Cắt 30% tiền hội họp, đi nước ngoài... để tăng lương

ngày 28/11/2015

Chiều tối 27/11, tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên khẳng định, trong năm 2016 sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 30% kinh phí hội nghị, hội thảo, đoàn ra khảo sát, đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài… để lấy tiền tăng lương.

Khoán kinh phí sử dụngxe công để tiết kiệm

Quốc hộivừa có Nghị quyết yêu cầu cắt giảm 30% tiền chi hội nghị,công tác, dự án chưa thật cấp bách. Xin cho biết Chính phủ có kế hoạch thực hiện như thế nào để thực hiện quy định trên?

Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 trong đó sẽ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triệt để tiết kiệm, thực hiện rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách.

Chính phủ cũng yêu cầu cắt giảm 30% kinh phí hội nghị, hội thảo, đoàn ra khảo sát, đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài… sắp xếp các nhiệm vụ chi, chủ động bố trí dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 được giao để điều chỉnh tiền lương năm 2016. Đối với một số địa phương ngân sách khó khăn, ngân sách T.Ư hỗ trợ để bảo đảm nguồn điều chỉnh tiền lương.

Cắt 30% tiền hội họp, đi nước ngoài... để tăng lương - 1

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên khẳng định, năm 2016 sẽ cắt ngay 30% tiền hội họp, đi nước ngoài… để lấy tiền tăng lương. Ảnh: Văn Kiên.

Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ thực hiện việc khoán xe công, vậy lộ trình tới đây sẽ thế nào?

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), trong đó cơ chế quản lý xe ô tô công sẽ tiếp tục được đổi mới, hướng tới quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công bắt buộc đối với một số địa bàn, đối tượng có đủ điều kiện nhận khoán mà không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án, lộ trình thực hiện khoán xe công để đưa vào Dự án luật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Kiểm soát việc bảo đảm trả nợ của doanh nghiệp

Tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 1,57 triệu tỷ đồng, khiến nhiều người lo ngại cho vấn đề an ninh tài chính quốc gia nếu các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, không có khả năng trả nợ?

Đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gần 1,57 triệu tỷ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần). Hằng năm các doanh nghiệp vẫn chủ động bố trí nguồn, cơ bản trả nợ đúng hạn.

Hiện nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công. Các DNNN có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Chính phủ đã chỉ đạo việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ phải thực hiện trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý chặt chẽ điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ.

Nguồn 24h