Bộ trưởng Công Thương: Có thể rút 1 dự án ra khỏi danh sách "12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ"

ngày 26/05/2018

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự án Nhà máy thép Việt - Trung trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép Quốc hội đưa ra khỏi nhóm 12 dự án này bởi về cơ quan đã hoạt động bình thường, khắc phục được những tồn tại cơ bản về điều lệ, pháp lý, quản trị doanh nghiệp. 

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Trả lời những vấn đề được các đại biển và cử tri quan tâm tại phiên thảo luận sáng nay (26/5), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập một Ban chỉ đạo do một Phó Thủ tướng là trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương là phó trưởng ban.

"Ban Chỉ đạo đã triển khai nghiên cứu đánh giá lại 12 dự án thua lỗ, những tồn đọng, sai phạm và các vấn đề đặt ra để tìm hướng giải quyết. Trên cơ sở của 138 văn bản chỉ đạo nhiệm vụ thực hiện, năm 2017, Ban chỉ đạo đã hoàn thiện đề án xử lý những tồn đọng của 12 dự án này và báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị", Bộ trưởng cho biết.

Theo người đứng đầu ngành công thương, được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký phê duyệt đề án xử lý các dự án tồn đọng với mục tiêu hết năm 2018 sẽ xử lý xong nhưng vấn đề tồn tại lớn của 12 dự án, tới năm 2020 sẽ giải quyết tồn đọng của tất cả dự án. Đồng thời, có giải pháp để ngăn chặn việc hình thành những dự án tồn đọng mới trong tương lai.

Về tình hình hiện tại của 12 đại dự án thua lỗ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong 12 dự án này, 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất - kinh doanh không hiệu quả. Năm 2018, hàng loạt giải pháp với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, các cấp cũng đã được triển khai để xử lý những dự án này.

"Chính phủ đã chỉ đạo là không cấp thêm vốn Nhà nước để xử lý những dự án này. Đồng thời, phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu và người có liên quan”, ông Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất - kinh doanh không hiệu quả, tới nay có 2 dự án đã khôi phục lại, có lãi.

"Dù con số lãi còn rất khiêm tốn nhưng đã bắt đầu tham gia lại thị trường, hoạt động có hiệu quả là nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án Nhà máy thép Việt-Trung", Bộ trưởng cho biết.

Đáng lưu ý, theo Bộ trưởng: “Dự án Nhà máy thép Việt-Trung trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép Quốc hội đưa ra khỏi nhóm 12 dự án này bởi về cơ quan đã hoạt động bình thường, khắc phục được những tồn tại cơ bản về điều lệ, pháp lý, quản trị doanh nghiệp”.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, trong số 3 dự án PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi, Ethanol Bình Phước tới nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại.

Về dự án PVTex Đình Vũ, ông Trần Tuấn Anh cho biết: "Dự án này đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nhà máy với các đối tác nước ngoài. Việc khôi phục hoạt động sản xuất sẽ được tiến hành từng bước, trước mắt khôi phục 1 dây chuyền sản xuất, tới cuối năm là 3 dây chuyền. Như vậy, sẽ bù được biến phí và hoạt động có hiệu quả. Về lộ trình, sẽ tiến hành thoái Nhà nước vốn khỏi PVTex Đình Vũ khi hoạt động kinh doanh có hiệu quả".

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội hôm 21/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, đến nay, việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn (12 dự án, doanh nghiệp) đã đạt kết quả bước đầu, giảm thua lỗ và một số dự án có lãi. Trong đó có 2 dự án đã có lãi và cắt giảm được lỗ lũy kế là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng; Dự án khai thác và tuyên tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM).

"Các dự án, nhà máy còn lại vẫn đang tiếp tục xử lý các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao" - báo cáo của Chính phủ nêu.

Phương Dung

Nguồn Dân trí