11 năm sau thảm họa động đất ở Đông Bắc Nhật Bản: Những bài học còn mãi

ngày 11/03/2022

Cách đây đúng 11 năm, ngày 11/3/2011, một trận động đất độ lớn 9 đã xảy ra ở Đông Bắc Nhật Bản. Sau động đất, các đợt sóng thần khổng lồ đã nhấn chìm nhiều thị trấn và làng mạc ở đây trong biển nước.

Cơn sóng thần lịch sử xảy ra sau thảm họa động đất tại thành phố Miyako, tỉnh Iwate, Nhật Bản ngày 11/3/2011. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù 11 năm đã trôi qua kể từ sau thảm họa, nhưng ký ức về những ngày tháng kinh hoàng đó vẫn không phai nhạt trong tâm trí của người dân khu vực này, trong đó có bà Kazuko Kori, Thị trưởng thành phố Sendai - thủ phủ của tỉnh Miyagi.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, bà Kori hồi tưởng: “Vào thời điểm đó, một phần diện tích rất lớn ven biển của thành phố Sendai bị nhấn chìm trong biển nước. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng khôi phục các công trình thiết yếu như điện, nước, ga chỉ trong một tháng sau thảm họa, nhưng có tới 10% dân số của thành phố, tương đương 100.000 người, đã phải ly tán”.

Bà nhấn mạnh: “Có thể nói, thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở thành phố Sendai cách đây 11 năm là một thảm họa thiên tai ngàn năm mới xuất hiện một lần”.

Theo chính quyền Sendai, động đất và sóng thần đã hủy hoại hoàn toàn 30.034 ngôi nhà và phá hủy một phần của gần 110.000 ngôi nhà khác, đồng thời cướp đi sinh mạng của 904 người và khiến 2.275 người khác bị thương ở thành phố này. Ước tính thiệt hại do thảm họa kép này gây ra cho Sendai lên tới hơn 1.304 tỷ yen.

Từ thảm họa bi thương đó, Sendai đã rút ra nhiều bài học. Theo bà Kori, bài học đầu tiên là phải chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu động đất lớn. Đây là việc cực kỳ quan trọng.

Bà Kori nói: “Rút kinh nghiệm từ trận động đất mạnh xảy ra năm 1978, chúng tôi đã dự báo một thời điểm nào đó khu vực này sẽ xảy ra trận động đất lớn tương tự. Do đó, chúng tôi đã tập trung xây dựng các công trình công cộng có khả năng chống chịu động đất mạnh. Trên thực tế, thảm họa năm 2011 đã xảy ra ở quy mô lớn ngoài sức tưởng tượng, nhưng thiệt hại do nó gây ra đã được giảm thiểu tối đa và đó cũng là cơ sở thuận lợi để chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả và tái thiết thành phố”.

Mặc dù vậy, sau thảm họa, Sendai vẫn tiến hành các dự án xây dựng một tuyến đê có chiều dài 9km và cao tới 7,2m, và nâng độ cao của các tuyến đường chạy dọc bờ biển ở khu vực thường xuyên xảy ra sóng thần. Bên cạnh đó, thành phố đã nâng cấp và xây dựng mới 13 cơ sở lánh nạn khi có sóng thần, đồng thời trồng mới các khu vực rừng dọc bờ biển với mục đích ngăn chặn hoặc giảm bớt sức mạnh của sóng thần.

Thứ hai, bà Kori cho rằng “công tác tái thiết sau thảm họa không chỉ là khôi phục hiện trạng ban đầu mà phải hướng tới tiêu chí bền vững và đẹp hơn”. Thị trưởng thành phố Sendai đề cập dự án xây dựng trung tâm xử lý nước Minami Gamo như một ví dụ điển hình cho bài học này.

Cơn sóng thần lịch sử xảy ra sau thảm họa động đất tại thành phố Miyako, tỉnh Iwate, Nhật Bản ngày 11/3/2011. Ảnh: AFP/TTXVN

Thảm họa kép năm 2011 đã phá hủy gần như hoàn toàn trung tâm xử lý nước này. Khi tái thiết, Sendai đã nâng nền công trình này lên hơn 10m. Cùng với khả năng chống chịu động đất và sóng thần quy mô lớn, công trình còn đảm bảo được nguồn điện tối thiếu để duy trì hoạt động trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Ngoài ra, với tiêu chí bảo vệ môi trường, thành phố đã lắp đặt thiết bị sản xuất điện mặt trời và một nhà máy thủy điện cỡ nhỏ ở đây nhằm tận dụng sự chênh lệnh chiều cao của công trình.

Một bài học kinh nghiệm khác mà bà Kori nêu ra là sự đồng lòng của người dân khi tham gia cứu nạn. Theo chính trị gia này, năng lực của chính quyền có hạn, trong khi thiên tai ngày càng khó lường. Do đó, điều quan trọng là sự tự giác và sự đồng lòng của người dân.

Bà Kori chia sẻ: “Sau khi xảy ra thảm họa, chúng tôi đã thiết lập các cơ sở cứu nạn kết hợp giữa tự lực và tương trợ lẫn nhau. Sau đó, chúng tôi áp dụng giao cho cán bộ chính quyền phụ trách từng cơ sở cứu nạn và thực hiện thảo luận và diễn tập phòng chống thiên tai”.

Năm 2013, Sendai đã sửa đổi kế hoạch phòng chống thiên tai, trong đó bổ sung thêm một số chính sách giảm thiểu rủi ro thiên tai. Kế hoạch này chú ý nhiều hơn tới nhu cầu của những người cần trợ giúp khi thiên tai xảy ra.

Để làm rõ các vai trò của mỗi bên trong quá trình trợ giúp thiên tai, kế hoạch này được phân chia thành hai phần gồm: “tự giúp mình và tương trợ lẫn nhau” và “sự hỗ trợ của Nhà nước”, trong đó phần 1 mô tả hoạt động cụ thể của mỗi cư dân và các tổ chức xung quanh, và phần 2 đề cập tới các chương trình trợ giúp của thành phố.

Tuy nhiên, trên tất cả, theo bà Kori, việc đào tạo kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân là cực kỳ quan trọng. Bà Kori nói: “Thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không loại trừ ai. Việc ứng phó như thế nào với thiên tai phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và kỹ năng ứng phó của mỗi người. Vì vậy, việc đào tạo kỹ năng ứng phó với thiên tai là vô cùng quan trọng nhằm hình thành năng lực ứng phó cho mỗi cá nhân”.

Bà Kori nhấn mạnh: “phản ứng của bạn trước thiên tai sẽ quyết định tới sự an toàn của bạn”. Vì vậy, theo bà Kori, sau thảm họa, Sendai rất chú trọng tới việc xây dựng kỹ năng phòng chống thiên tai cho mỗi cá nhân.

Thành phố thường xuyên tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai tại cho người dân đủ mọi thành phần, đồng thời đẩy mạnh giáo dục trong trường học nhằm giúp các thế hệ sau thấm nhuần kinh nghiệm và bài học phòng chống thiên tai.

Cụ thể, chính quyền Sendai đã soạn thảo chính sách giáo dục giảm thiểu rủi ro thiên tai và bắt đầu triển khai chương trình đào tạo giảm thiểu rủi ro thiên tai ở tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở kể từ tài khóa 2016. Bên cạnh đó, tất cả các trường học đều cắt cử một giáo viên phụ trách riêng vấn đề giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Mặt khác, vào "Ngày sẵn sàng ứng phó với thiên tai của người dân” (12/6) hằng năm, người dân được khuyến khích tham gia các cuộc diễn tập phòng chống động đất với giả định xảy ra một trận động đất mạnh. Cùng với đó, người dân sẽ tự kiểm tra xem liệu các biện pháp phòng chống động đất ở gia đình đã ổn hay chưa.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tìm kiếm nạn nhân tại khu vực bị tàn phá sau thảm họa động đất sóng thần ở tỉnh Iwate, Nhật Bản ngày 13/3/2011. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào đầu tháng 9, trong khuôn khổ tuần lễ sẵn sàng ứng phó với thiên tai, các cuộc diễn tập cũng được tổ chức ở nhiều khu vực trong thành phố với tình huống giả định người dân bị mắc kẹt khi các phương tiện giao thông tạm dừng hoạt động.

Ngoài ra, trong khuôn khổ tháng tăng cường giảm thiểu rủi ro thiên tai, cũng trong tháng 9, các cuộc diễn tập sắn sàng ứng phó với thiên tai nói chung cũng được tổ chức ở tất cả các phường và 6 khu vực thuộc Sendai.

Không chỉ tìm cách cải thiện năng lực phòng chống thiên tai cho người dân, chính quyền Sendai còn nỗ lực chia sẻ các kinh nghiệm của mình với cộng đồng quốc tế. Bà Kori nhấn mạnh: “Chúng tôi đang hướng tới xây dựng Sendai thành một đô thị có năng lực phòng chống thiên tai cao, từ đó tiếp tục truyền bá kinh nghiệm và bài học về thảm họa động đất ra khắp thế giới”.

Trong một nỗ lực như vậy, tháng 3/2015, Sendai đã đăng cai tổ chức Hội nghị Thế giới của Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, với sự tham gia của 6.500 đại biểu đến từ 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, thành phố lớn nhất ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản cũng định kỳ tổ chức “Diễn đàn Phòng chống Thiên tai Thế giới” và “Hội nghị Davos về Phòng chống Thiên tai”.

Ngoài ra, Sendai đang nỗ lực thúc đẩy các tour du lịch tới khu vực thảm họa. Các tour du lịch này không chỉ giúp các du khách có cái nhìn rõ nét hơn về các hậu quả của động đất, sóng thần mà còn trang bị cho họ nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các thảm họa tương tự.

Thành phố đã phối hợp với chính quyền tỉnh Miyagi và một số tổ chức liên quan để lập ra trang web Bosai+Tourism (Thiên tai và Du lịch) nhằm quảng bá và thúc đẩy loại hình du lịch này./.

Nguồn: https://bnews.vn/11-nam-sau-tham-hoa-dong-dat-o-dong-bac-nhat-ban-nhung-bai-hoc-con-mai/236194.html